Vì sao đội tuyển Việt Nam không sử dụng các cầu thủ nhập tịch?
Rào cản văn hóa, quan điểm tự tôn dân tộc hay hạn chế về tuổi tác… là những lý do chủ yếu khiến cầu thủ nhập tịch từng hiện diện rồi biến mất rất nhanh ở đội tuyển Việt Nam.
Năm 2008, trào lưu đưa cầu thủ nhập tịch lên tuyển bỗng trở nên thời thượng. HLV Henrique Calisto là người rất mở lòng với những ai muốn và có khả năng cống hiến cho đội tuyển do ông dẫn dắt.
Đầu tiên là học trò ruột của ông ở Long An, thủ thành Phan Văn Santos. Anh chàng lực lưỡng này là một sự phá cách trong hình mẫu người giữ thành. Thủ môn không chỉ bắt bóng bằng tay, anh ta còn cản phá như một trung vệ, phát động tấn công như một người chia bài, thậm chí đá phạt ghi bàn…
Người tiên phong Santos mở ra cơ hội cho những Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max hay Huỳnh Kesley sau đó. Sự xuất hiện của những tuyển thủ “ta” nhưng màu da, mái tóc rất “tây” khiến tuyển Việt Nam có thời điểm mang dáng dấp một đội bóng mạnh hàng đầu khu vực. Chiến thắng 1-0 trong trận giao hữu với CLB từng nhiều lần dự Champions League Olympiakos là minh chứng.
Tuy nhiên, sự tồn tại của họ trong màu áo cờ đỏ sao vàng rất ngắn. Họ biến mất nhanh chóng và bí ẩn, được giải thích nhẹ nhàng là bởi không phù hợp về chuyên môn!
Câu chuyện về đội quân nhập tịch chìm vào quên lãng, nhưng sau mỗi giải đấu tuyển Việt Nam khủng hoảng phong độ, mà điển hình như kỳ AFF Cup 2012 (bị loại ngay từ vòng bảng), nó lại được nhen lên. Giống như một chiếc phao hy vọng…
Chỉ có điều, chưa bao giờ đèn xanh bật sáng cho những ý tưởng kiểu này. Nó vẫn chỉ là hai chữ “giá như” của hầu hết đời HLV, từ Goetz, Miura cho đến Hữu Thắng hôm nay.
Hữu Thắng đang không có một trung phong đích thực nào, sau khi Công Vinh giải nghệ. Chắc chắn, ở góc độ chuyên môn, ông Thắng sẽ dễ thở hơn nhiều nếu trong tay có Hoàng Vũ Samson hay Đỗ Merlo thay vì Công Phượng hay Văn Quyết.
Ông thầy xứ Nghệ đã nhiều lần lấp lửng khi được “mớm lời” về phương án một tiền đạo nhập tịch. Nhưng khổ nỗi, không ai “quyết” cho ông.
Nhìn chung, tâm lý người Việt vẫn chưa thống nhất và sẵn sàng để một cầu thủ ngoại quốc mặc áo đội tuyển của mình. Dù họ có ăn cơm Việt, lấy vợ Việt, sống chung với gia đình Việt và nói sõi tiếng Việt, họ vẫn là… Tây.
Tâm lý ấy không chỉ đến từ khán giả hay đồng đội trên sân. Nó còn chi phối cả những người quản lý bóng đá. Chính những quyết sách từ liên đoàn mới là bức tường cao nhất ngăn trở cầu thủ nhập tịch bén duyên với tuyển Việt Nam.
Nhưng còn một lý do nữa cũng không kém phần quan trọng: hạn chế về tuổi tác. Nếu không “lách” qua đường hôn nhân, cầu thủ ngoại cần tối thiểu 5 năm lao động tại Việt Nam mới có thể được quyền nhập tịch. Lúc đó, họ cũng đã qua thời sung sức và động lực.
Khi mặc áo tuyển Việt Nam, Santos đã phát tướng đến độ mắc cả những sai lầm sơ đẳng, Kesley dù khéo và tinh quái hơn người nhưng cũng không còn mạnh mẽ, bật vọt. Ngay cả Samson hay Merlo lúc này, giả sử có được “phê chuẩn” thì cũng đã mất đi quá nhiều phong độ.
Như thế có lẽ là không đủ để thuyết phục một đất nước yêu bóng đá nhưng cũng đầy tự tôn dân tộc như Việt Nam đưa ra quyết định đánh đổi.