Tại sao bóng đá châu Á chưa thể canh trạnh danh hiệu quả bóng vàng?
19/02/24
Ở thời điểm hiện tại, sự xuất hiện của các cầu thủ châu Á đã dần trở nên phổ biến hơn ở các giải đấu hàng đầu châu Âu, có thể kể đến sự thành công của Son Heung-Min hay việc Bundesliga trở thành nơi chấp cánh cho ước mơ vươn xa trên bầu trời bóng đá thế giới của những cầu thủ đến từ châu Á. Thế nhưng, có một sự thật là, những cầu thủ châu Á vẫn chưa đủ để cạnh tranh cho danh hiệu QBV thế giới. Hãy cùng Shoot tìm hiểu rõ nguyên nhân trong bài viết dưới đây.
Từ trước đến nay, bóng đá châu Á chưa bao giờ được đánh giá cao ở phương diện quốc tế. Nền bóng đá của châu lục này vẫn chưa thể so sánh được với những nền bóng đá tiên tiến và sản sinh ra nhiều cầu thủ đạt tầm vóc thế giới như châu Âu hay Nam Mỹ. Hơn thế nữa, tính chuyên môn nơi những giải đấu tầm châu lục góp phần không nhỏ đến sự phát triển của những cầu thủ. Các quốc gia có vị thế ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran hay Australia dù thường xuyên là những đại diện được tham dự các kì World Cup nhưng mỗi khi tập trung tại đấu trường như Asian Cup thì họ lại thiếu vắng những cầu thủ quan trọng của mình. Đơn cử là việc Asian Cup thường được tổ chức vào đầu năm – khi mà các cầu thủ xuất sắc ở những đội bóng như Hàn Quốc, Nhật hay Iran đang thi đấu cho những clb tại châu Âu, trong giai đoạn nước rút của mùa giải. Bên cạnh đó, khi ra đấu trường quốc tế, những quốc gia thuộc châu Á này thường chỉ được xem là những đội lót đường của giải đấu và trung bình chỉ dừng cuộc hành trình sau vòng bảng, hay xa hơn nữa chỉ tối đa là vòng 16 đội. (Ngoại trừ trường hợp Hàn Quốc vào đến bán kết World Cup 2002 vì đây được xem là vết đen của một vòng chung kết thế giới).
Nếu xét về tính chuyên môn, những giải đấu châu Á chưa bao giờ được đánh giá cao ở tầm cỡ thế giới bởi hệ thống của họ. J-League, K-League là những giải đấu hiếm hoi được đánh giá cao ở mặt bằng chung châu lục, nhưng những giải này vẫn chưa là gì nếu xét so với những giải đấu quốc nội tại những quốc gia hạng 2,3 ở châu Âu. Những giải đấu còn lại, chưa thể vươn tầm bởi hệ thống xây dựng nền bóng đá của các quốc gia châu Á còn chưa thực sự phát triển. Đa số những nước này chỉ làm bóng đá theo cách ngắn hạn để mục tiêu mang về những danh hiệu tạm thời chứ không hề có tầm nhìn vào việc phát triển dài hạn nền bóng đá của họ. Chính cách làm bóng đá “ăn xổi” hay “xây nhà từ nóc” đã vô tình làm thui chột đi rất nhiều thế hệ cầu thủ tài năng và hạn chế sự phát triển của họ qua nhiều năm.
Sẽ rất nhiều người nêu ra nhận định: “Các giải đấu thuộc cấp độ Nam Mỹ nếu xét về tính chuyên nghiệp cũng không quá vượt trội so với chính châu Á với điều luật liên tục bị thay đổi cũng như không ổn định trong hệ thống tổ chức. Hay thậm chí một số giải còn không bằng được như J-League hay K-League nhưng tại sao khu vực này luôn luôn tạo ra những cầu thủ xuất sắc bậc nhất thế giới còn châu Á thì không thể?”
Có thể thấy rằng, bản chất những ngôi sao Nam Mỹ đa phần xuất phát từ bóng đá đường phố, rất ít những cầu thủ thuộc hàng đẳng cấp thế giới tại khu vực này trưởng thành bài bản từ những lò đào tạo trong nước. Trường hợp của Messi cũng xuất phát bởi tài năng thiên bẩm của anh, và lò La Masia không phải là một lò đào tạo của Argentina. La Masia chỉ giúp Messi vươn tầm và trở nên kiệt xuất hơn mà thôi. Không quá khi nói rằng, cơ sở vật chất, điều kiện đào tạo của những lò Nam Mỹ không quá vượt trội so với những mô hình đào tạo trẻ tại châu Á. Tuy nhiên, các cầu thủ Nam Mỹ luôn vượt rất xa các cầu thủ châu Á đến từ việc họ vượt trội từ thể chất, khả năng bẩm sinh cùng môi trường bóng đá đường phố đã ăn sâu vào trong máu như tại những quốc gia như Brazil, Argentina hay Uruguay. Còn tại các nước châu Á, bóng đá đường phố không quá phổ biến như tại Nam Mỹ, những cầu thủ trẻ thường chỉ phát triển tài năng khi được đưa vào một mô hình đào tạo bài bản. Nhưng chính sự cân bằng tại các hệ thống đào tạo trẻ chỉ giúp các cầu thủ nhí tại châu Á phát triển kĩ năng cơ bản và sẽ chững lại ở mức độ nào đó trong tương lai gần. Thế nên, so phẩm chất kĩ thuật với cầu thủ Nam Mỹ, người châu Á hoàn toàn lép vế, còn so về chất lượng trong hệ thống đào tạo trẻ với châu Âu, thì châu Á lại bị bỏ một khoảng cách rất xa.
Nhưng, nói như vậy, không có nghĩa là châu Á không thể sản sinh ra những tài năng lớn của bóng đá thế giới. Các lò đạo tạo của những câu lạc bộ tầm cỡ hiện nay đều cử những tuyển trạch viên của họ có mặt tại mọi nơi trên khắp thế giới quan sát và tìm ra những tài năng mới của nền bóng đá. Và châu Á rõ ràng là một mảnh đất màu mỡ cho các tuyển trạch viên. Sự thật là những cầu thủ nhí châu Á thuộc biên chế những lò đào tạo lớn ở châu Âu là rất nhiều. Có thể lấy ví dụ về Lee Seung-Woo – người từng được cho là thần đồng của bóng đá Hàn Quốc đã từng được ăn tập ở La Masia và thi đấu tại các cấp độ trẻ của clb Barcelona. Với những phẩm chất kĩ thuật của mình, Lee Seung-Woo đã từng được so sánh với Messi khi ở độ tuổi còn rất nhỏ nhưng dần dà, chính án phạt của FIFA đã vô tình khiến tài năng của cầu thủ này bị thui chột đi rất nhiều. Không có được cơ hội chen chân lên đội một, Lee Seung-Woo buộc phải phiêu bạt sang Hellas Verona tại Serie A và hiện nay phải quay về Hàn Quốc chơi cho Suwon FC.
Ngoài ra, việc thi đấu cho clb nào hay tầm ảnh hưởng của cầu thủ đó tại đội bóng mang yếu tố quyết định đến việc một cầu thủ châu Á có chạm đến đỉnh cao của sự nghiệp, hay xa hơn là thuộc top đầu thế giới hay không. Đồng ý việc ngày càng có nhiều cầu thủ Châu Á thi đấu tại những giải đấu như Bundesliga hay EPL hơn, nhưng ở những đội bóng hàng đầu Châu Âu thì lại có mấy cầu thủ là người Châu Á? Để cạnh tranh được QBV thế giới thì yếu tố tiên quyết cầu thủ đó cùng clb của mình phải có mặt ở đấu trường danh giá nhất Châu Âu – UEFA Champions League. Và hơn hết, nếu không giành được chiếc cúp bạc Châu Âu thì ít nhất phải vào được top 4 đội mạnh nhất và là người duy trì được phong độ đưa clb đi đến thành công cùng với sự xuất sắc và ổn định của bản thân. Son Heung-Min mùa này có lẽ đã đạt đỉnh cao sự nghiệp tại Tottenham Hotspur. Thế nhưng việc Gà trống thành London không thể chiến thắng Liverpool trong trận chung kết đã làm hẹp đi cơ hội lọt vào ứng cử viên cho danh hiệu cầu thủ xuất sắc thế giới của ngôi sao người Hàn Quốc đi rất nhiều.
Hay xa hơn trong quá khứ là trường hợp của Park Ji Sung, huyền thoại người Hàn Quốc đã đồng hành cùng giai đoạn hoàng kim của Man Utđ dưới thời Sir Alex Ferguson. Anh cùng Quỷ Đỏ đã giành vô số danh hiệu, trong đó có chức vô địch Châu Âu mùa 2007/08 trong 3 lần vào trận chung kết Champions League hay thành tích vào đến bán kết của kì World Cup 2002 với đội tuyển Hàn Quốc. Son Heung-Min có thể là cầu thủ châu Á xuất sắc nhất từ trước đến nay, nhưng với một số người, Park Ji Sung mới là cầu thủ vĩ đại bậc nhất của bóng đá châu Á mà họ từng chứng kiến.
Ngoài Son Heung-Min và Park Ji Sung, rất nhiều huyền thoại ở Châu Á từng đạt thành công lớn tại lục địa già trước đây như Yasuhiko Okudera (Nhật Bản), Cha Bum Kun (Hàn Quốc), Hidetoshi Nakata (Nhật Bản), Shunsuke Nakamura (Nhật Bản), Shinji Kagawa (Nhật Bản). Tất cả họ đều thành danh ở đấu trường Châu Âu và cũng có thể xem là những người tiên phong trong việc mở lối sang lục địa già cho nhiều cầu thủ Châu Á ngày nay. Nhưng dù cho thành công trong màu áo các clb Châu Âu ra sao thì một suất góp mặt trong danh sách rút gọn những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới vẫn là điều gì đó vượt quá tầm với của những cầu thủ đến từ Châu Á.
Và yếu tố cuối cùng, cũng là yếu tố quan trọng bậc nhất quyết định việc một cầu thủ Châu Á có thể tiến xa đến đâu, chính là yếu tố thể chất. Bởi bóng đá là môn thể thao mang tính đối kháng cao, do vậy sự lép vế về mặt thể chất mang lại rất nhiều bất lợi so với một cầu thủ to cao vượt trội hơn hẳn. Chí ý nếu không có được thể chất tốt thì phẩm chất kĩ thuật phải thực sự khác biệt với phần còn lại, mà Leo Messi là một minh chứng rõ ràng nhất. Vì bóng đá phát triển qua từng ngày từng giờ, nên kĩ thuật cá nhân và tư duy chiến thuật nếu được đào tạo bài bản từ nhỏ sẽ không phải là vấn đề với những cầu thủ Châu Á. Thế nhưng, vấn đề thể lực, thể hình dường như luôn là điểm yếu cố hữu của các cầu thủ Châu Á khi so sánh với các cầu thủ Châu Âu, Nam Mỹ hay Châu Phi. Hai cầu thủ có thể cao ngang nhau, nhưng cơ bắp không đủ rắn chắc, độ dày của cơ thể không bằng đối phương tất yếu sẽ nhận phần thất bại trong các tình huống tranh chấp tay đôi, vốn luôn diễn ra trong suốt 90 phút. Và cứ sau mỗi lần va chạm, thất thế như vậy sẽ mang lại yếu tố tâm lý cho cầu thủ.Tâm lý không ổn định, sẽ khiến cầu thủ thiếu tự tin, e dè trong các lần tranh chấp tiếp theo. Thua thiệt trong đối đầu tay đôi đi kèm với việc dựa dẫm vào việc đồng đội sẽ bọc lót cho mình trong hệ thống chiến thuật, và dần dà, nó trở thành yếu điểm chí mạng của một cầu thủ.
Sau tất cả, câu trả lời về việc những cầu thủ gốc Châu Á có thể cạnh tranh cho một suất giành lấy QBV thế giới hay không vẫn sẽ chỉ nằm ở tương lai. Sự xuất sắc của Son Heung-Min trong màu áo Tottenham Hotspur ở mùa giải vừa qua như một lời khẳng định rằng những cầu thủ Châu Á sẽ luôn sẵn sàng chinh phục mọi thử thách ở đấu trường khắc nghiệt nhất Châu Âu. Tuy nhiên, để những cầu thủ đến từ châu lục đông dân nhất thế giới bước đến đẳng cấp sánh ngang với những cầu thủ Châu Âu hay Nam Mỹ thì sẽ còn rất lâu nữa bởi trình độ của những cầu thủ Châu Á hay xa hơn là hệ thống phát triển bóng đá của châu lục này vẫn còn một khoảng cách rất xa so với bóng đá Châu Âu hay Nam Mỹ.
Follow us
Fanpage / Shoot Channel
Tiktok / shootchannel
Youtube / Shoot Channel